Tim bơm máu đi nuôi các cơ quan của cơ thể qua hệ thống mạch máu gọi là động mạch. Có thể hiểu tim của bạn giống như một chiếc máy bơm đẩy nước qua các ống dẫn. Khi máu được bơm đầy tim, tim sẽ đẩy máu vào lòng mạch, sức ép của máu lên thành mạch máu sẽ tạo một áp suất gọi là huyết áp. Huyết áp được diễn tả bằng 2 số, ví dụ 120/80. Số trên là huyết áp tâm thu, tượng trưng cho áp suất cực đại, là sức ép của máu vào lòng động mạch mỗi khi tim co bóp để bơm máu ra khỏi tim. Số dưới là huyết áp tâm trương, tượng trưng cho áp suất cực tiểu trong lòng động mạch, là áp suất trong lòng động mạch khi con tim dãn ra giữa hai nhịp co bóp.
Nguyên nhân và triệu chứng cao huyết áp
Tăng huyết áp được chia làm 2 loại là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp nguyên phát hay còn gọi là tăng huyết áp không rõ nguyên nhân chiếm 93 – 95%. Tăng huyết áp thứ phát có thể do những nguyên nhân như: Hở van động mạch chủ, u tủy thượng thận, bệnh thận, cường giáp, do sử dụng thuốc gây giữ muối, giữ nước,…
Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố nguy cơ phối hợp với nhau gây tăng huyết áp như: Tuổi cao, giới tính (nữ trong độ tuổi sinh đẻ ít mắc bệnh tim mạch hơn nam), di truyền, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, hút thuốc lá, ít vận động, stress, ăn mặn, …
Hầu hết những người bị tăng huyết áp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi huyết áp ở mức nguy hiểm cao. Đo huyết áp là cách kiểm tra đơn giản và chính xác nhất để phát hiện sớm cao huyết áp. Gọi là tăng huyết áp khi hai số trên – dưới cao hơn 120/80 mmHg ở người trẻ tuôi và người trung niên; hơn 130/80 mmHg đối với người có bệnh đái tháo đường hay bệnh thận; hơn 140/90 mmHg ở người từ 60 tuổi trở lên.
Cần lưu ý, chỉ số huyết áp của bạn sẽ thay đổi tùy từng lúc và tùy vào các hoạt động của cơ thể. Huyết áp xuống thấp hơn lúc bạn ngủ, nghỉ ngơi và lên cao khi bạn tập thể dục, chơi thể thao hoặc khi tinh thần bị kích động, buồn bực.
Xử lý nhanh khi bị tăng huyết áp
1. Sơ cứu: Thời điểm người bệnh bị tăng huyết áp hãy để người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể hoàn toàn. Người bệnh không nên nói nhiều vì khi nói không chỉ thanh quản hoạt động mà các cơ quan khác cũng chịu ảnh hưởng làm huyết áp càng tăng cao hơn. Dùng máy đo huyết áp để xác định mức độ tăng và có biện pháp xử lý phù hợp nhất.
2. Uống thuốc hạ huyết áp: Người bệnh cần xác định được nguyên nhân tăng huyết áp là gì và căn cứ vào đó lựa chọn thuốc hạ áp. Ngoài ra người bệnh cũng cần căn cứ vào các triệu chứng đi kèm và tiểu sử bệnh để lựa chọn đúng thuốc. Hiện có các loại thuốc hạ áp như hydroclorothiazid, indapamid, prazosin, …
3. Bấm huyệt: Sử dụng phương pháp bấm một số huyệt như: huyệt thái dương (nằm ở cuối mi mắt, thực hiện khoảng 20 – 30 lần), huyệt ủy trung (nằm giữa nếp lằn khoeo chân, thực hiện 10 lần mỗi bên), huyệt dũng tuyền (nằm ở chỗ lõm của gan bàn chân, lặp lại động tác khoảng 20 lần).
4. Châm cứu: Châm cứu vào các điểm huyệt tập trung ở mặt trong của hai cẳng tay (nằm trên cổ tay một chút) và cho các xung điện thấp chạy qua kim. Sau khoảng 30 phút thực hiện huyết áp có thể giảm tới 25 mmHg.
Bệnh cao huyết áp nên ăn gì?
Lựa chọn và duy trì một chế độ ăn thích hợp cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị huyết áp cao. Những thực phẩm đã được kiểm chứng là tốt cho người bệnh tăng huyết áp bao gồm: Cần tây, cải cúc, rau muống, cà chua, cà rốt, hành tây, nấm hương và nấm rơm, mộc nhĩ, tỏi, táo và các loại đậu.
Đặc biệt người cao huyết áp cần kiêng ăn mặn, chỉ nên dùng 2-3 g muối/ngày và ăn hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối như cà muối, mắm tôm, cá mắm, thịt cá đóng hộp, thịt hun khói, thịt sấy khô, thịt muối, các loại thực phẩm chế biến sẵn. Nên bỏ thói quen dùng thêm bát nước mắm trong bữa ăn, kể cả chấm rau luộc, ở giai đoạn nặng phải ăn nhạt hoàn toàn.
Hướng điều trị
Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên nguyên tắc chung trong điều trị là cần theo dõi, điều trị đúng, đủ và lâu dài.
Hiện có một số loại thuốc hạ áp như sau: Thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn alpha – beta, thuốc chủ vận thần kinh trung ương, thuốc giãn mạch. Các thuốc này đều giúp hạ huyết áp nhanh và rất thích hợp trong những trường hợp mang tính khẩn cấp. Tuy nhiên sử dụng lâu dài các bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ như hen suyễn, chân tay lạnh, rối loạn cương dương, mất ngủ, phát ban, chóng mặt, táo bón, đau đầu, nhịp tim nhanh, mệt mỏi khi đứng lên đột ngột, sốt, đau đầu, tiêu chảy, đau dạ dày và một số bệnh khác ở gan, thận.